Ngành cơ khí loay hoay tìm đầu ra sản phẩm

Ngành cơ khí loay hoay tìm đầu ra sản phẩm

Câu chuyện của ngành cơ khí bấy lâu nay dường như vẫn loay hoay trong những toan tính về đầu ra cho sản phẩm. Sản xuất dây điện . Ảnh: An Hiếu-TTXVN Mặc dù Chính phủ cũng đã có những chính sách khuyến khích cho nhóm ngành này phát triển nhưng sức bật cũng phải phụ thuộc từ chính các doanh nghiệp.  Câu chuyện của ngành cơ khí bấy lâu nay dường như vẫn loay hoay trong những toan tính về đầu ra cho sản phẩm. Trình độ thợ Việt Nam từng được đánh giá là tốt và “khéo” nhưng giá trị sản phẩm lại chưa cao, chưa tạo được giá trị thặng dư lớn cho nhóm hàng này. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra chính là thiếu sự thay đổi mang tính đột phá – điều mà các doanh nghiệp phải tự làm để cứu chính mình.  Được ghi nhận là tên tuổi lớn trong lĩnh vực cơ khí Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy (Lilama) cũng phải bao phen “chìm nổi”. Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho rằng nhiều doanh nghiệp cơ khí hiện vẫn đang hướng nội. Hầu hết doanh nghiệp vẫn giữ tư duy cũ, chỉ nhăm nhăm trông chờ vào “bầu sữa” chính sách ưu đãi của nhà nước mà quên rằng tự mình phải nâng cao sức cạnh tranh để bứt phá, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.   Ông Tuấn cũng dẫn chứng ngay câu chuyện của Lilama. Đơn vị này có đến hàng chục nhà máy chế tạo, xưởng cơ khí. Số lượng như vậy là nhiều nhưng lại hoạt động phân tán nên chưa hiệu quả, không tận dụng được hết các nguồn lực để bứt phá. Cũng chính vì sự dàn trải này đã khiến doanh nghiệp vẫn đi theo lối mòn không chuyên. Bởi vậy, chất lượng các đơn hàng không đồng đều, nhiều bạn hàng chỉ đặt hàng một lần và ra đi không trở lại.  Muốn có sự thay đổi phải đi từ đổi mới tư duy của người dẫn dắt doanh nghiệp; trong đó, tái cơ cấu chính là một lối đi được kỳ vọng tạo ra bứt phá giúp doanh nghiệp cơ khí tăng cường khả năng tài chính, quản trị; giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng bởi thủ tục cho phá sản các đơn vị được nhận định là rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp.   Một trong những “tên tuổi” khá thành công trong xuất khẩu cơ khí chính là Lilama 18. Theo Phó Tổng giám đốc Lilama 18 Phạm Văn Vân, đơn vị này hiện chiếm khoảng 20% xuất khẩu thiết bị cơ khí của các nhà máy trong nước với giá trị khoảng 400 tỷ đồng/năm. Lilama 18 ghi dấu trên bản đồ xuất khẩu cơ khí bằng sản phẩm cẩu trục cho hãng Koch (Cộng hòa liên bang Đức), thiết bị lò cán thép nguội cho đối tác Đa-ni-e-li (Italia)…  Bài học thành công mà Lilama 18 chia sẻ chính là sự “lột xác”. Phó Tổng giám đốc Lilama 18 Phạm Văn Vân khẳng định: “lột xác” ở đây được hiểu theo đúng nghĩa là thay đổi hoàn toàn cả hệ thống, từ những điều nhỏ nhất, từ khâu sản xuất cho đến chăm lo đời sống người lao động dưới sự giám sát của các bạn hàng. Đối tác của Lilama 18 đều là các doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới trong các lĩnh vực này nên để được họ “chấp nhận” hợp tác cũng là điều rất khó.   Tái cơ cấu chính là một lối đi được kỳ vọng tạo ra bứt phá giúp doanh nghiệp cơ khí. Ảnh: Danh Lam–TTXVN Tuy nhiên, ông Vân cũng thừa nhận mặc dù lợi nhuận từ xuất khẩu cao hơn so với gia công trong nước, nhưng mức này vẫn còn thua xa các doanh nghiệp cơ khí nước ngoài. Hiện Lilama 18 mới chỉ được đối tác trả công theo tấn nguyên liệu với giá trị được tính khoảng 2 – 4 USD/kg. Trong khi đó, có những doanh nghiệp nước ngoài được tính công trên tấn thiết bị ở mức 10 USD/kg trở lên. Điều này có nghĩa là hàm lượng chất xám đã được tính cả trong giá thành – một mơ ước lớn mà các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chưa chạm tới.  Một trong những “lợi thế” mà ngành cơ khí Việt Nam chưa tận dụng được chính là đóng tàu. Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn chia sẻ: Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư cho lĩnh vực cơ khí; thậm chí trước đây đã phát hành trái phiếu để phát triển ngành đóng tàu. Tuy nhiên, do cách thức đầu tư phân tán, dàn trải dẫn đến thiếu hiệu quả.  Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ phân tích: Bờ biển trải dài, sông ngòi chằng chịt là cơ hội để Việt Nam phát triển một ngành kinh tế mạnh về biển, thủy hải sản và đặc biệt là ngành công nghiệp đóng tàu. Không phát huy được những ưu đãi từ chính sách, nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này đã có cách thức đầu tư chưa đúng hướng, dàn trải nên tự đẩy mình vào chỗ phá sản, hoặc chết yểu. Triển vọng hình thành một ngành công nghiệp đóng tàu không như kỳ vọng.  Ông Thụ cho rằng các doanh nghiệp cơ khí nên nhìn thấy những tiềm năng sát sườn này và nếu không đầu tư cơ khí đóng tàu thì rất lãng phí. Nguyên liệu sắt thép và những máy chính có thể đi mua, nhưng thiết kế, tổ hợp thành con tàu thì các doanh nghiệp Việt có thể làm chủ được. Tuy nhiên để làm được điều này lại phải quay về câu chuyện chuyên môn hóa với tính chuyên nghiệp cao.  Cùng đó, một mảng đang “trống” ngay trên sân nhà chính là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực này được xem là vẫn còn dư địa rất lớn cho cơ khí phát triển. Trong khi nông nghiệp chiếm tới 70% cơ cấu kinh tế thì các loại máy móc phục vụ cho lĩnh vực chủ lực này hầu hết lại đang phải nhập ngoại còn các doanh nghiệp cơ khí Việt lại mải miết đi làm những thứ lớn lao và xa vời. Hơn bao giờ hết, cái vòng luẩn quẩn làm sản phẩm gì, đầu ra như thế nào vẫn bủa vây và làm rối các doanh nghiệp cơ khí.  Ngành cơ khí Việt Nam đang sở hữu những lợi thế nhất định; trong đó có yếu tố nhân công giá rẻ và dân số trong độ tuổi lao động lớn. Yếu tố này cũng giúp các doanh nghiệp cơ khí lấy được các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động này chưa bền vững bởi để được đối tác nước ngoài chấp nhận và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đang đòi hỏi một quá trình phấn đấu liên tục của doanh nghiệp nội. Nguồn: BNEWS/TTXVN
Cần những giải pháp mới để ngành cơ khí Việt Nam phát triển

Cần những giải pháp mới để ngành cơ khí Việt Nam phát triển

Nhằm đánh giá những tồn tại, hạn chế của ngành cơ khí Việt Nam, đồng thời đưa ra những giải pháp chủ yếu để phát triển ngành cơ khí trong cuộc cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0”. Tại Hội thảo, nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngành cơ khí Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí trong nước... Cần thêm những giải pháp mới để ngành cơ khí Việt Nam phát triển Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Số lượng doanh nghiệp cơ khí đã tăng mạnh từ 10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên 21.000 doanh nghiệp năm 2016; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD; nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu đến nay từng bước đã được thay thế; dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ, các doanh nghiệp đã làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa dần được nâng cao, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; đóng tàu; máy công cụ và máy nông nghiệp... Các sản phẩm này đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải nhìn nhận một cách thực tế rằng ngành cơ khí nước ta còn rất nhiều hạn chế. Năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp, số lượng doanh nghiệp còn quá ít so với tổng số doanh nghiệp cả nước, nhập siêu các sản phẩm cơ khí còn lớn, chưa chủ động được về nguyên vật liệu, vẫn phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành còn kém, và khả năng hấp thụ công nghệ các doanh nghiệp trong nước còn yếu… Trước thực tế đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp cần quyết liệt, kịp thời hành động để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế tận dụng cơ hội để phát triển, tạo dựng môi trường thể chế, chính sách pháp luật thuận lợi cho doanh nghiệp cơ khí, từ đó thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nước ta. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, những nhân tố mới xuất hiện đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí, cần những giải pháp, chính sách mới để đảm bảo cho sự cạnh tranh của ngành và sự tồn tại của các doanh nghiệp cơ khí trong nước. ( Nguồn: Laodongthudo.vn)
Các phương pháp hàn trong gia công kim loại

Các phương pháp hàn trong gia công kim loại

Hàn có lẽ là quy trình nối ghép thông dụng nhất trong gia công kim loại. Độ bền của mối hàn thường phụ thuộc vào phương pháp hàn được sử dụng, nhưng các phương pháp hàn nào là thích hợp cho ngành gia công kim loại ở Đông Nam Á? Tuy có thể dễ dàng mô tả quá trình nối ghép các chi tiết với nhau và dường như việc chấp nhận lý thuyết là tương đối đơn giản, nhưng ứng dụng thực tế có thể khá phức tạp. Độ nhám bề mặt, tạp chất, sai lệch lắp ghép và các tính chất khác nhau của những vật liệu nối ghép làm cho quá trình này trở nên phức tạp hơn. Thật may mắn, sự phát triển các quy trình và kỹ thuật hàn đã được quản lý để vượt qua một số trong các khó khăn đó. Trừ vài ngoại lệ, hầu hết các quy trình hàn đều yêu cầu ứng dụng các mức nhiệt cao. Nhiệt đưa các nguyên tử đến cạnh biên của một chi tiết, đủ gần để cho phép các tương tác liên nguyên tử xảy ra với các nguyên tử từ chi tiết thứ hai. Tuy nhiên, nhiệt cao này làm cho kim loại bị oxy hóa và sự oxy hóa đó làm yếu cấu trúc vi mô ở mặt ngoài của chi tiết. Nói chung, có thể tránh vấn đề này bằng cách trong quá trình hàn, cần bảo vệ để để không xảy ra oxy hóa. Khi kiểm tra từng quy trình hàn, điều quan trọng là xét xem lượng nhiệt tỏa ra là bao nhiêu và cách thức phát sinh lượng nhiệt đó. Ngoài việc cung cấp nhiệt, một số phương pháp hàn còn yêu cầu tác dụng áp suất, thậm chí một số quy trình hàn có thể đạt được chỉ thông qua áp suất mà không cần cấp nhiệt độ từ bên ngoài. Như đã đề cập ở phần trên, trong một số quy trình hàn, cần có vật liệu hàn (que hàn) để hỗ trợ sự nối ghép hai chi tiết (hàn) với nhau. Đối với các phương pháp hàn với áp suất, mối ghép hàn được thực hiện bằng cách tác dụng áp suất tại diện tích tiếp xúc của hai chi tiết, có thể hoặc không cần cấp nhiệt cho đến trạng thái nóng chảy. Đối với các phương pháp hàn có nóng chảy, không cần tác dụng áp suất, chỉ sử dụng nhiệt để làm nóng chảy vùng tiếp xúc. GMAW & GTAW Trong hàn hồ quang kim loại khí bảo vệ (GMAW hoặc MIG), hồ quang phát sinh giữa điện cực nguyên hoặc có chất trợ dung trong lõi và kim loại nền. Hồ quang này được bảo vệ bằng lớp khí hoặc hỗn hợp khí, có thể là CO2hoặc hỗn hợp CO2 với khí trơ, thường là Argon. Khí bảo vệ này được thổi qua đầu phun nằm song song với hồ quang và bao phủ hồ quang từ mọi phía. Hàn GMAW (còn gọi là hàn MIG) có nhiều ưu điểm. Phương pháp hàn này sử dụng mật độ dòng điện cao, cho phép tỷ suất lắng đọng kim loại hàn cao và hàn nhanh. Tốc độ hàn cao và tỷ suất lắng đọng kim loại nhanh làm giảm chi phí hàn. Hàn GMAW thích hợp cho nhiều kiểu mối ghép hàn với các định hướng khác nhau: thẳng, cong, dài hoặc ngắn. Phương pháp này còn thích hợp cho cả các tấm mỏng và dày. Điều này làm cho phương pháp hàn GMAW trở nên rất đa năng, cho phép áp dụng trong nhiều tình huống, thậm chí đôi khi không cần lập kế hoạch trước. Tuy nhiên, một nhược điểm của hàn GMAW là độ xốp mối hàn, hình thành khi gió xung quanh làm gián đoạn hoặc cản trở lớp khí bảo vệ hồ quang. Hàn hồ quang điện cực wolfram có khí bảo vệ (GTAW) còn được gọi là hàn wolfram khí trơ (TIG). Ở đây, hồ quang được tạo ra giữa điện cực wolfram và kim loại nền. Khí bảo vệ là Argon tinh khiết và thanh hoặc que hàn được đưa vào hồ quang để nóng chảy và cấp thêm kim loại lỏng cho mối hàn, dù trong một số trường hợp điều này là tùy chọn. Hàn GTAW và TIG nổi tiếng là có tính đa năng cao, có thể dùng để hàn hầu hết các kim loại, đặc biệt thích hợp cho hàn kim loại tấm và hàn ống. Có thể thực hiện mối hàn trên các vật liệu rất mỏng, dưới 1mm và có thể hàn ở mọi vị trí. Cũng có thể sử dụng hàn GTAW và TIG trong các ứng dụng robot hàn hoặc tự động hóa. Khác với hàn GMAW hoặc MIG, sự điều khiển mối hàn trong quy trình này là rất tốt, bao gồm thiết lập vũng chảy trong khi hàn và bổ sung kim loại đầy khi cần thiết. Sự điều khiển này cho phép tạo ra vũng chảy tốt và thấp ướt ở đầu mối hàn, do đó cần tránh sự nóng chảy không hoàn toàn, đặc biệt là khi hàn với que hàn. Các phát triển tương lai trong hàn hồ quang Tuy có thể coi hàn là công nghệ đã được thiết lập gần như hoàn hảo, nhưng công nghệ này vẫn dưới ánh sáng mặt trời. Tuy nhiều người dự báo sử dụng công nghệ hàn sẽ tiếp tục phát triển trong các nền kinh tế mới nổi trên thế giới, nhưng ở các nước phát triển, sự tăng trưởng công nghệ hàn cũng sẽ vẫn tiếp tục, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt. Các lĩnh vực sẽ tiếp tục bùng nổ bao gồm cả sự tự động hóa quy trình hàn. Do thiếu công nghân hàn lành nghề, sẽ không ngạc nhiên khi công nghệ hàn hồ quang hầu như phải dựa nhiều vào robot. Hiện tại, máy móc tự động hóa được dùng trong hàn điểm và hàn đính, dường như đơn giản chỉ là vấn đề thời gian để công nghệ này xâm nhập vào lĩnh vực hàn hồ quang. Bất kể hướng phát triển của ngành công nghiệp này, có thể chắc chắn rằng các phát triển này trong hàn hồ quang sẽ dự báo trước cho những người nắm bắt các ưu thế của công nghệ hàn hồ quang cải tiến. 3M: bảo vệ hàn ở cường độ mạnh Công ty 3M đã phát triển bộ nâng cấp hệ thống Adflo Powered-Air Purifying Respirator (PAPR – thiết bị thở tinh lọc không khí) của họ. Bộ Adflo Turbo Assembly với sự nâng cấp cường độ liên tục cung cấp không khí lọc cho thợ hàn làm việc ở các cao độ đến 3.000m. Bộ nâng cấp cường độ này được thiết kế một cách chuyên biệt để bù cho các thay đổi trọng lượng riêng của không khí xảy ra khi lên cao. Thiết bị có bộ pin Li-ion, cho phép giảm trọng lượng pin khoảng 50% so với các model cũ và giảm trọng lượng toàn bộ hệ thống thở khoảng 20%. (Nguồn: Cẩm nang Gia công Kim loại)
Ngành cơ khí đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0

Ngành cơ khí đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0

Sức ép đổi mới và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất là một thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ. Các chuyên gia nhận định, trên thực tế, trình độ sản xuất hiện tại của Việt Nam mới ở giai đoạn công nghiệp 2.0 hoặc công nghiệp 3.0, sản xuất chính vẫn ở trình độ thấp bởi thiếu hụt các công nghệ mới, thiếu thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ. Cần chính sách đường dài Theo ý kiến nhiều chuyên gia, hiện nay, thế giới đang phát triển đến trình độ công nghệ 4.0 thì ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu do thiếu hụt công nghệ mới trong một thời gian dài bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như đầu tư cho ngành cơ khí chưa tương xứng so với các ngành sản xuất khác. Quản lý nhà nước đối với ngành cơ khí chưa phù hợp dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, cát cứ. Mặt khác, do không có quy hoạch tổng thể cho từng ngành, từng địa phương nên dẫn tới phân tán nguồn lực, không thể hợp tác trong sản xuất. Thực tế gần đây cho thấy trong lĩnh vực chế tạo, Việt Nam ngày càng có tiềm năng là bến đỗ của các nhà sản xuất máy móc thiết bị, phụ tùng, sản phẩm hàng hóa tiêu dùng của các nước phát triển. Việc Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới sẽ thành hiện thực trong tương lai. Song để thực sự trở thành một trung tâm chế tạo thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm... Trước cơ hội song cũng chính là thách thức này, các DN cơ khí nói riêng và ngành cơ khí nói chung cần lựa chọn hướng đi cho mình. Theo Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ, trong cộng đồng DN cơ khí Việt Nam đã có DN lớn có thể làm được những thiết bị đồng bộ, song số này rất ít. Bên cạnh đó, lại có rất nhiều nhà thầu phụ, các DN tư nhân nhỏ lẻ, số này chỉ sản xuất được một số chi tiết, sản phẩm nhất định. Theo đó, các DN này phải tìm cho được những sản phẩm mà mình làm tốt nhất song không thể đầu tư đồng bộ, từ đó kết hợp với các DN thành viên khác để khai thác triệt để năng lực đầu tư của DN. Có như vậy ngành cơ khí mới có được sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Chủ động nguồn nhân lực Trong lúc chờ đợi các chính sách đường dài từ phía Nhà nước được xây dựng đồng bộ và phát huy hiệu quả, các chuyên gia cho rằng DN cũng phải thay đổi và không thể chỉ thụ động ngồi chờ đợi. Để tận dụng kịp thời cơ hội và bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lời khuyên được đưa ra cho DN là chưa cần làm những việc "đao to búa lớn", mà phải bắt đầu ngay từ những việc đơn giản nhất, thiết yếu và bền vững nhất là phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Thực tế cho thấy, DN trong ngành cơ khí cũng đã nhận thức được điều này và đang nỗ lực từng bước đổi mới công nghệ cũng như đào tạo con người để vận hành các trang thiết bị hiện đại. Theo Giám đốc Công ty CP Công nghệ Hoàng Anh Nguyễn Quốc Hùng, DN này đã đầu tư mua sắm các loại máy móc của Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc mang về Việt Nam để thực hiện những chi tiết phức tạp, công việc khó khăn. Sau đó, DN đào tạo đội ngũ kỹ thuật để họ sử dụng các máy móc đó. Đây đều là đội ngũ công nhân có tay nghề, kỹ thuật, có thể vận dụng được những máy móc hiện đại, công nghệ mới của các nước trên thế giới đã sử dụng từ lâu. Ông Nguyễn Văn Thụ nhấn mạnh, tính khả thi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên bắt đầu bằng bước đi thiết yếu nhất là đầu tư nguồn nhân lực. Sau đó các nhà sản xuất nên mạnh dạn đổi mới công nghệ. Để ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, các DN buộc phải tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc, đặc biệt là các vị trí có liên quan trực tiếp đến sản phẩm dịch vụ như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản xuất sản phẩm... Các chế độ đào tạo nhân lực, các chính sách về chuyển giao công nghệ và những quy chế để sử dụng chuyên gia nước ngoài cũng như là đào tạo lực lượng tổng công trình kỹ sư trưởng cho ngành cơ khí đấy là điều hết sức cần thiết trong quá trình phát triển đặc biệt với công cuộc phát triển công nghệ 4.0. “DN nên “đặt hàng” cho các cơ sở đào tạo để các sinh viên khi ra trường được trang bị các kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu của DN. Sự hợp tác này nhằm nâng cao trình độ và chất lượng của sinh viên sau tốt nghiệp, tạo cơ hội việc làm tốt khi ra trường; nâng cao trình độ giảng viên đào tạo công nghệ phần mềm theo tiêu chuẩn của hãng sản xuất; và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kỹ thuật. Đây là công việc mà DN cần chủ động thực hiện ngay từ lúc này.”- Giám đốc Siemens PLM tại Việt Nam Võ Hồng Kỳ chia sẻ. Nguồn: Daibieunhandan.vn
Xu hướng và triển vọng của ngành cơ khí chế tạo

Xu hướng và triển vọng của ngành cơ khí chế tạo

Từ những thập niên về trước khi nói đến ngành công nghiệp cơ khí thì chẳng có ai biết đến nó nhiều. Ngày nay ngành công nghiệp cơ khí đang phát triển và bùng nổ mạnh mẽ và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nước nhà.   Ngành công nghiệp chế tạo cơ khí đóng vai trò nền tảng và nó hiện diện hầu hết trong tất cả các lĩnh vực kinh tế. Nó góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.   Chính vì thế xu hướng phát triển khoa học và kĩ thuật công nghệ cơ khí chế tạo đang được mọi người hết sức quan tâm và được nhà nước đầu tư phát triển nó. Sau gần 20 năm mở cửa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên Thế Giới càng ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí làm cho lĩnh vực này ngày càng phát triển mạnh hơn đúng với tiêu chuẩn quốc tế. Nhìn tổng thể là vậy nhưng thành công này cũng chính là sự nỗ lực không ngừng của các cá nhân tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này họ không ngừng học hỏi bổ xung cho mình những kiến thức mới và thành công này còn có phần rất lớn của nhà nước ta đã đầu tư tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các cá nhân học tập và các tổ chức đầu tư tại việt nam.   Nhìn tổng thể nền kinh tế hiện nay và sự đổi mới ngày càng mạnh mẽ của đất nước trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thì ngành công nghiệp cơ khí chế tạo đóng vai trò hết sức quan trọng tạo đà cho đất nước phát triển góp phần xây dựng lên những công trình vĩ đại cũng chính vì vậy mà ngành công nghiệp cơ khí trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa và là một ngành mũi nhọn trong tương lai được mọi người quan tâm.   Hiện nay ngành cơ khí có rất nhiều lĩnh vực ngành nghề vậy chúng ta làm gì? Học những gì để phù hợp với nó?   Nếu bạn xác định bạn sẽ theo lĩnh vực cơ khí thì điều đầu tiên các bạn cần làm là phải xác định đúng chuyên ngành cơ khí bạn theo( Cơ khí chế tạo, hàn, máy tàu biển, thiết kế thân vỏ tàu…) để bạn có định hướng đầu tư cho nó. Thứ hai bạn nên chọn cho mình một công ty để định hướng sau này khi ra trường chúng ta sẽ vào làm việc( công ty tư nhân hay nhà nước, hay ra nước ngoài làm) định hướng như thế vừa giúp bạn có động lực và có phương pháp học tốt nhất giúp cho bạn có hành hành trang kiến thức vững chắc biết mình cần gì thiếu cái gì để bổ sung cho tốt. Ví dụ như bạn định hướng học cơ khí chế tạo ra nước ngoài làm việc thì điều đầu tiên bạn chuẩn bị là phải có vốn tiếng anh thật tốt… đây là một bước ngoặc lớn tạo nên sự thành công của một con người.   Nói tóm lại có rất nhiều điều bạn cần phải tính toán cho nghề nghiệp của mình nhưng bạn phải hiểu rõ bản thân mình cần gì ? ngành gì phù hợp với mình? Thị trường đang cần gì?. Sau khi bạn giải quyết xong vấn đề này bạn hãy lên cho mình một kế hoạch thật tốt cho tương lai. Nguồn: cnc3s
"Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN"

"Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN"

Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm 2018, nhờ khu vực sản xuất hàng điện tử có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh mẽ và hoạt động tiêu dùng gia tăng. Lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong nửa cuối năm nay. Dự báo này được đưa ra trong báo cáo kinh tế về Việt Nam do ngân hàng xuất bản với tựa đề “Việt Nam – tăng trưởng nhanh nhưng không nguy hiểm". Theo báo cáo kinh tế, lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ có năm thứ 2 liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong năm nay và tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm, trong khi đó, lĩnh vực xây dựng bị chậm lại do mức tăng trưởng thấp ở mảng bất động sản. Xuất khẩu hàng điện tử trong năm 2018 được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, dù thấp hơn so với năm 2017, mang đến cho Việt Nam thặng dư thương mại và hỗ trợ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ngân hàng Standard Chartered duy trì nhận định dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ ở mức cao trong năm 2018, 2019 và năm 2020, với mức vốn đăng ký đạt 17 tỷ USD mỗi năm và vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, trong trung hạn. Báo cáo cũng nhận định mức tăng trưởng ổn định ở lĩnh vực dịch vụ, đi đầu là hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ ở trong nước, sẽ hỗ trợ tăng trưởng chung của cả năm 2018. Lĩnh vực dịch vụ, vốn đóng góp gần 40% cho nền kinh tế, dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm, sau khi đạt mức tăng 7% trong nửa đầu năm. Sự phát triển của mảng dịch vụ thuê ngoài được hỗ trợ bởi nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo tốt và chi phí thấp, sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ trong trung hạn. Về triển vọng ngoại hối, các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered nâng dự báo tỷ giá USD/VND lên 23.400 đồng vào cuối năm 2018 và 23.300 đồng vào cuối 2019, tiếp đến là 22.700 đồng vào cuối 2020. Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered phân tích: Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong nửa đầu năm, trong đó quý 2 có chậm lại một chút so với mức 7,4% của quý 1, điều này phù hợp với dự báo của Standard Chartered. Kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra đến nay, đây là năm đầu tiên mức tăng trưởng trong quý 2 chậm hơn quý 1, Standard Chartered tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự tập trung vào tăng trưởng bền vững trong trung hạn. Standard Chartered kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ, dù chậm hơn một chút so với nửa đầu năm. “Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2018 và 2019 – giống như năm 2017. Chúng tôi lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất điện tử vẫn duy trì ở mức cao," ông Chidu Narayanan nhấn mạnh. Nguồn: Vietnam+
Xem thêm
H2T Hà Nội
Hotline 0988446736
Liên hệ qua Zalo
Messenger