Phát triển ngành cơ khí trong tương lai

Phát triển ngành cơ khí trong tương lai

Trong 10 năm qua, chỉ có 8 dự án cơ khí được cấp vốn vay ưu đãi với lãi suất khoảng 11,4%, trong khi lợi nhuận ngành này thường chỉ khoảng 5%/năm. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí, gia công cnc giai đoạn đến năm 2020 đạt 15-16%/năm… đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước đầy tiềm năng. Trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, ngành cơ khí luôn phải giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, ngành này dường như đang bị lãng quên, dù đã được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Nhiều mục tiêu phát triển cụ thể đã có từ gần 15 năm trước (Quyết định 186 vào năm 2002), song cho đến nay, so về hiệu suất công nghiệp, ngành cơ khí Việt Nam vẫn thua xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines hay Indonesia. Khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành cơ khí chỉ đạt 32,1%. Theo chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trước đây, sẽ có 8 nhóm sản phẩm trọng điểm được chú trọng phát triển. Bao gồm thiết bị toàn bộ, máy động lực, máy móc nông nghiệp, phương tiện giao thông, máy công cụ, máy móc phục vụ ngành xây dựng, đóng tàu và thiết bị điện. Nhưng cho đến nay, chỉ có công nghiệp đóng tàu và chế tạo thiết bị điện thực hiện được định hướng chiến lược. Còn các nhóm ngành khác vẫn đang ì ạch. Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà máy cơ khí cũng đã tạm ngừng hoạt động do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Hiện công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn còn đơn giản, lạc hậu, trình độ kém hơn khoảng 2-3 thế hệ so với khu vực. Mặt khác, phần lớn thiết bị qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu vốn để đầu tư đổi mới, nâng cấp.  Trong khi đó, ở một số nước như Nhật hay Hàn Quốc, để xây dựng ngành công nghiệp cơ khí, chính quyền sẽ tiên phong đầu tư công trình, sau đó mới cổ phẩn hóa, tư nhân hóa để tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của toàn ngành. Đồng thời, ngành cơ khí cũng cần đội ngũ lao động tay nghề cao. Thế nhưng hiện nay, có không ít doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, nhất là thợ có tay nghề cao. Lý do là hệ thống giáo dục chưa chú trọng đến việc đào tạo nhân lực cho ngành cơ khí.  Không chỉ vậy, đầu ra cho sản phẩm cơ khí của Việt Nam cũng bị “tắc” ở thị trường nội địa, mặc dù nhiều sản phẩm tương tự lại đang được nhập khẩu. Chẳng hạn đối với mặt hàng cẩu trục, Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina đã sản xuất và xuất khẩu được 20 chiếc sang Indonesia hồi năm ngoái. Nhưng tại thị trường Việt Nam, họ chỉ tiêu thụ được 1 chiếc. Không có khách hàng dẫn đến việc các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, phát triển sản phẩm cho thị trường nội địa. Kéo theo đó là sự trì trệ của ngành cơ khí.  Đãi ngoại, bỏ nội Theo tính toán, đến năm 2055, doanh thu từ ngành cơ khí của Việt Nam có thể lên đến gần 300 tỉ USD. Do vậy, thị phần ngành cơ khí nhiều khả năng sẽ rơi vào các tập đoàn đầu tư nước ngoài.  Hiện nhập siêu ngành cơ khí là khá lớn, trong đó giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỉ lệ cao. Nếu năm 2006, ngành cơ khí nhập khẩu 8,7 tỉ USD thì tới năm 2015, con số này đã là 26,53 tỉ USD. Mặt khác, các tập đoàn cơ khí quốc tế cũng tăng cường đầu tư vào Việt Nam, khi tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành này hiện là 2,1 tỉ USD. Thực tế này được giải thích bởi tư tưởng đãi ngoại, bỏ nội đối với các sản phẩm cơ khí. Dù nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ chấp nhận sản phẩm cơ khí nội địa do giá bán và chất lượng phù hợp, nhưng đối với lĩnh vực đấu thầu thì khối ngoại vẫn thắng thế. Khó có thể nói rằng chất lượng thành phẩm cơ khí Việt Nam thua kém, dù công nghệ tương đương. Ðiều này có thể chứng minh qua việc doanh nghiệp nước ngoài thuê các công ty cơ khí Việt Nam gia công theo thiết kế và thương hiệu của họ, rồi bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với giá gấp đôi giá thành sản phẩm cùng loại. Phát triển ngành cơ khí theo hướng đa dạng thị trường tiêu thụ Thừa nhận việc ưu tiên tới 8 nhóm ngành cơ khí trọng điểm thời gian qua là quá nhiều và không phát huy được hiệu quả, vì vậy Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định, cơ quan này đã nghiên cứu và xác định sẽ tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực cơ khí trọng điểm, gắn với tìm thị trường, đầu ra cho các sản phẩm. Như trong dự thảo đưa ra lấy ý kiến về một số lĩnh vực cơ khí trọng điểm, đã nổi lên một số lĩnh vực như công nghiệp ô tô, cơ khí nông nghiệp, sản xuất thiết bị điện và ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí. Những ngành này đều có định hướng, xác định là đang có dung lượng thị trường đủ lớn và cơ hội trong tương lai vẫn còn nhiều. Có thể nói, đây là điều kiện tiên quyết để phát triển các sản phẩm trong cơ chế thị trường hiện nay. Tìm kiếm thị trường cho sản phẩm cơ khí là đòi hỏi cấp thiết đối với ngành công nghiệp then chốt đang có tỷ lệ nhập siêu vào loại cao nhất hiện nay. Đa số các doanh nghiệp cho rằng, cùng với việc mở rộng tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước đầy tiềm năng. Một số doanh nghiệp cơ khí thì kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật đấu thầu theo hướng gia tăng phần tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong nước đã sản xuất được từ 7,5% hiện nay lên khoảng 15%. Có như vậy, mục tiêu “tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí, gia công cnc giai đoạn đến năm 2020 đạt 15-16%/năm, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành chế biến, chế tạo trên 30% GDP sau năm 2025…” mới có cơ hội trở thành hiện thực. Nguồn: VITIC tổng hợp
Giao lưu bóng đá giữa Công ty CP Thương mại H2T Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Việt Phát

Giao lưu bóng đá giữa Công ty CP Thương mại H2T Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Việt Phát

Chiều qua (3/11), tại Bắc Ninh  đã diễn ra trận giao hữu bóng đá giữa Công ty CP Thương mại H2T Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Việt Phát. Đến dự trận giao hữu giữa hai đội, về phía lãnh đạo Công ty CP Thương Mại H2T Hà Nội có Giám đốc điều hành Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc kinh doanh Ông Dương Văn Long, Phó giám đốc Ông Nguyễn Xuân Hạnh. Về phía Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Việt Phát có Bà Châu Kim Dung – Phó tổng giám đốc công ty CP đầu tư TM Việt Phát, Ông Dương Minh Hải – Giám đốc Kế hoạch hành chính công ty CPCN Kim Sen, ngoài ra còn có đông đảo các cổ động viên đến từ hai đơn vị. Dù chỉ là một trận đấu mang tính chất giao hữu nhưng cả đội  Công ty CP Thương mại H2T Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Việt Phát đều thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ khi ra sân so tài. Nếu như đội Công ty CP Thương mại H2T Hà Nội tận dụng thế mạnh là kỹ thuật cá nhân cùng những đường chuyền dài thì đội Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Việt Phát lại áp dụng hiệu quả chiến thuật phòng ngự phản công, tích cực tranh chấp bóng số đông và tận dụng mọi cơ hội có được trước khung thành. Trận đấu diễn ra căng thẳng và kịch tính cùng với sự cổ vũ nhiệt tình từ các cổ động viên dành cho hai đội. Mặc dù đội tuyển Công ty CP Thương Mại H2T Hà Nội đã vươn lên dẫn trước khá sớm , nhưng bản lĩnh, kinh nghiệm và sự chắc chắn, đội Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Việt Phát đã gỡ hòa. Kết quả trận đấu, đội Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Việt Phát đã giành thắng lợi với tỷ số 3- 2. Sau trận đấu, Ban lãnh đạo hai đơn vị cùng tập thể hai đội bóng đã có buổi liên hoan và giao lưu văn nghệ trong bầu không khí sôi nổi, ấm cúng. Thông qua những hoạt động giao lưu thể thao và văn nghệ, mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa Công ty CP Thương mại H2T Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Việt Phát  ngày càng được thắt chặt hơn nữa.
Cơ khí Việt Nam: Ngành “xương sống” nhưng ỳ ạch lớn

Cơ khí Việt Nam: Ngành “xương sống” nhưng ỳ ạch lớn

Vốn được xem như “xương sống” của nền kinh tế, song suốt nhiều năm qua hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý cũng như từ phía bản thân DN đã khiến ngành công nghiệp cơ khí phát triển khá mờ nhạt, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh Theo Bộ Công Thương, công nghiệp cơ khí đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiêp chế biến, chế tạo, được xem như “xương sống” của nền kinh tế bởi đây là ngành nền tảng, hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển, cung cấp công cụ, tư liệu sản xuất cho các lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng. Trong những năm vừa qua, công nghiệp cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, số lượng DN cơ khí tăng nhanh, từ khoảng 10.000 DN năm 2010 lên hơn 21.000 DN năm 2016, chiếm 28% tổng số DN chế biến, chế tạo. Những năm gần đây, điển hình như năm 2016, kim ngạch XK các sản phẩm cơ khí đạt trên 13 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy. Nếu tính cả sắt thép các loại thì kim ngạch XK các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD. Liên quan tới sự phát triển ngành công nghiệp cơ khí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm: Nhiều sản phẩm trước đây Việt Nam phải NK đến nay từng bước đã được thay thế. Dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ. Các DN làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ tự động hóa ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, một số DN nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của một số tập đoàn đa quốc gia. Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu rõ hơn: Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản lượng của cơ khí cả nước. Rất ít phát minh, sáng chế được đăng ký Dù khẳng định ngành công nghiệp cơ khí đã đạt được một số kết quả nhất định, song theo ông Tuấn Anh, công nghiệp cơ khí hiện vẫn còn nhiều hạn chế, điểm yếu. Đầu tiên là về thị trường. Ngành cơ khí Việt Nam khá đa dạng về sản phẩm, nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm NK. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh. Thậm chí, ngay cả tại thị trường nội địa, các DN cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu là do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, các DN, sản phẩm cơ khí trong nước cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến. Bên cạnh thị trường, trình độ khoa học công nghệ được xem là điểm yếu điển hình thứ hai của ngành cơ khí Việt Nam. Ông Tuấn Anh nêu rõ: Ngành cơ khí trong nước có rất ít phát minh, sáng chế được đăng ký. Thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới. Các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển của ngành cơ khí Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh để bảo về người tiêu dùng trong nước trước hàng NK có chất lượng không phù hợp. Ngoài ra, ông Tuấn Anh chỉ ra, hạn chế của ngành cơ khí còn thể hiện ở góc độ nguyên phụ liệu hầu hết phải NK; nguồn nhân lực thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng; vai trò của hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả. Xung quanh câu chuyện phát triển ngành công nghiệp cơ khí, ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Thời gian qua, thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam theo Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành cơ khí đã tạo nhiều chuyển biến ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, tính đến năm 2013, ngành cơ khí mới đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu cơ khí cả nước, không hoàn thành mục tiêu đề ra trong Chiến lược (mục tiêu đề ra, năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước). “Việc triển khai cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí còn hạn chế, thiếu nhất quán. Vai trò quản lý, đề xuất cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được phát huy. Các DN cơ khí nhà nước chậm đổi mới. Trong khi đó, DN tư nhân quy mô nhỏ, ít quan tâm đầu tư đến ngành cơ khí. Việc đầu tư cho ngành còn mang tính phân tán, khép kín trong từng DN…”, ông Trung nói. Phân tích sâu hơn, theo ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam, hơn 15 năm qua, dòng sản phẩm cơ khí lắp ráp, hàng kết cấu thép, thiết bị nâng hạ, lắp ráp ô tô được đầu tư nhiều nên phát triển nhanh trong khu vực. Trong khi đó, khu vực chế tạo máy do ít được đầu tư nên chậm phát triển. Sau hơn 15 năm, Việt Nam chưa xây dựng được thêm một nhà máy mới nào về chế tạo máy. Điều này dẫn đến thực trạng ngành cơ khí Việt Nam phát triển lệch và phần chính yếu, quan trọng lại chưa được nhà quản lý tập trung đầu tư, phát triển… “Trình độ kỹ thuật của ngành cơ khí vẫn chỉ được xếp dưới mức trung bình. Lĩnh vực chế tạo phôi và công nghiệp phụ trợ-2 mảng cốt yếu để phát triển chưa được đầu tư đúng tầm”, ông Thụ nhấn mạnh. Đầu tư có trọng điểm Nhìn vào toàn cảnh “bức tranh” ngành công nghiệp cơ khí, theo ông Thụ, để  tháo gỡ các điểm nghẽn, mở lối cho ngành này phát triển, trong chiến lược phát triển giai đoạn tới, cần lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm thay vì làm một lúc nhiều chủng loại sản phẩm… Chính phủ nên tập trung soát xét lại một số sản phẩm cơ khí trọng điểm vừa có thị trường vừa có cơ sở vật chất để phát triển và được hưởng những chính sách ưu tiên đặc biệt, đơn cử như ngành đóng tàu biển, ô tô buýt, ô tô khách và tải nhẹ 5T. “Đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí dứt khoát không thể thiếu bàn tay hữu hình của Nhà nước tác động, nuôi dưỡng bằng tạo đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí. Chính phủ cần có một hệ thống chính sách đồng bộ từ vốn, quy hoạch, lựa chọn sản phẩm có sức cạnh tranh và kết hợp kinh tế quốc phòng, không thể đầu tư tràn lan và không theo quy hoạch phát triển chung của quốc gia", ông Thụ đề xuất. Một số chuyên gia đánh giá: Các tập đoàn công nghiệp lớn cũng  nên chủ động, quan tâm hơn nữa đầu tư cho lực lượng cơ khí của mình. Ví dụ điển hình như, ngành dầu khí tập trung làm giàn khoan biển, đóng tàu chờ cỡ lớn, đồng thời tiếp tục đầu tư các cơ sở sản xuất chế tạo vật liệu cho ngành dầu khí như đường ống áp lực, thiết bị bồn bể áp lực cao, bơm, van công nghiệ; ngành than, khoáng sản cần tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm máy khai thác quặng, tuyển khoáng… Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra những giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các DN. Cụ thể, đó là sẽ xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng DN, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm; hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho DN đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các DN cơ khí áp dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất... Theo: Báo hải quan
Ngành cơ khí loay hoay tìm đầu ra sản phẩm

Ngành cơ khí loay hoay tìm đầu ra sản phẩm

Câu chuyện của ngành cơ khí bấy lâu nay dường như vẫn loay hoay trong những toan tính về đầu ra cho sản phẩm. Sản xuất dây điện . Ảnh: An Hiếu-TTXVN Mặc dù Chính phủ cũng đã có những chính sách khuyến khích cho nhóm ngành này phát triển nhưng sức bật cũng phải phụ thuộc từ chính các doanh nghiệp.  Câu chuyện của ngành cơ khí bấy lâu nay dường như vẫn loay hoay trong những toan tính về đầu ra cho sản phẩm. Trình độ thợ Việt Nam từng được đánh giá là tốt và “khéo” nhưng giá trị sản phẩm lại chưa cao, chưa tạo được giá trị thặng dư lớn cho nhóm hàng này. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra chính là thiếu sự thay đổi mang tính đột phá – điều mà các doanh nghiệp phải tự làm để cứu chính mình.  Được ghi nhận là tên tuổi lớn trong lĩnh vực cơ khí Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy (Lilama) cũng phải bao phen “chìm nổi”. Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho rằng nhiều doanh nghiệp cơ khí hiện vẫn đang hướng nội. Hầu hết doanh nghiệp vẫn giữ tư duy cũ, chỉ nhăm nhăm trông chờ vào “bầu sữa” chính sách ưu đãi của nhà nước mà quên rằng tự mình phải nâng cao sức cạnh tranh để bứt phá, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.   Ông Tuấn cũng dẫn chứng ngay câu chuyện của Lilama. Đơn vị này có đến hàng chục nhà máy chế tạo, xưởng cơ khí. Số lượng như vậy là nhiều nhưng lại hoạt động phân tán nên chưa hiệu quả, không tận dụng được hết các nguồn lực để bứt phá. Cũng chính vì sự dàn trải này đã khiến doanh nghiệp vẫn đi theo lối mòn không chuyên. Bởi vậy, chất lượng các đơn hàng không đồng đều, nhiều bạn hàng chỉ đặt hàng một lần và ra đi không trở lại.  Muốn có sự thay đổi phải đi từ đổi mới tư duy của người dẫn dắt doanh nghiệp; trong đó, tái cơ cấu chính là một lối đi được kỳ vọng tạo ra bứt phá giúp doanh nghiệp cơ khí tăng cường khả năng tài chính, quản trị; giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng bởi thủ tục cho phá sản các đơn vị được nhận định là rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp.   Một trong những “tên tuổi” khá thành công trong xuất khẩu cơ khí chính là Lilama 18. Theo Phó Tổng giám đốc Lilama 18 Phạm Văn Vân, đơn vị này hiện chiếm khoảng 20% xuất khẩu thiết bị cơ khí của các nhà máy trong nước với giá trị khoảng 400 tỷ đồng/năm. Lilama 18 ghi dấu trên bản đồ xuất khẩu cơ khí bằng sản phẩm cẩu trục cho hãng Koch (Cộng hòa liên bang Đức), thiết bị lò cán thép nguội cho đối tác Đa-ni-e-li (Italia)…  Bài học thành công mà Lilama 18 chia sẻ chính là sự “lột xác”. Phó Tổng giám đốc Lilama 18 Phạm Văn Vân khẳng định: “lột xác” ở đây được hiểu theo đúng nghĩa là thay đổi hoàn toàn cả hệ thống, từ những điều nhỏ nhất, từ khâu sản xuất cho đến chăm lo đời sống người lao động dưới sự giám sát của các bạn hàng. Đối tác của Lilama 18 đều là các doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới trong các lĩnh vực này nên để được họ “chấp nhận” hợp tác cũng là điều rất khó.   Tái cơ cấu chính là một lối đi được kỳ vọng tạo ra bứt phá giúp doanh nghiệp cơ khí. Ảnh: Danh Lam–TTXVN Tuy nhiên, ông Vân cũng thừa nhận mặc dù lợi nhuận từ xuất khẩu cao hơn so với gia công trong nước, nhưng mức này vẫn còn thua xa các doanh nghiệp cơ khí nước ngoài. Hiện Lilama 18 mới chỉ được đối tác trả công theo tấn nguyên liệu với giá trị được tính khoảng 2 – 4 USD/kg. Trong khi đó, có những doanh nghiệp nước ngoài được tính công trên tấn thiết bị ở mức 10 USD/kg trở lên. Điều này có nghĩa là hàm lượng chất xám đã được tính cả trong giá thành – một mơ ước lớn mà các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chưa chạm tới.  Một trong những “lợi thế” mà ngành cơ khí Việt Nam chưa tận dụng được chính là đóng tàu. Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn chia sẻ: Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư cho lĩnh vực cơ khí; thậm chí trước đây đã phát hành trái phiếu để phát triển ngành đóng tàu. Tuy nhiên, do cách thức đầu tư phân tán, dàn trải dẫn đến thiếu hiệu quả.  Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ phân tích: Bờ biển trải dài, sông ngòi chằng chịt là cơ hội để Việt Nam phát triển một ngành kinh tế mạnh về biển, thủy hải sản và đặc biệt là ngành công nghiệp đóng tàu. Không phát huy được những ưu đãi từ chính sách, nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này đã có cách thức đầu tư chưa đúng hướng, dàn trải nên tự đẩy mình vào chỗ phá sản, hoặc chết yểu. Triển vọng hình thành một ngành công nghiệp đóng tàu không như kỳ vọng.  Ông Thụ cho rằng các doanh nghiệp cơ khí nên nhìn thấy những tiềm năng sát sườn này và nếu không đầu tư cơ khí đóng tàu thì rất lãng phí. Nguyên liệu sắt thép và những máy chính có thể đi mua, nhưng thiết kế, tổ hợp thành con tàu thì các doanh nghiệp Việt có thể làm chủ được. Tuy nhiên để làm được điều này lại phải quay về câu chuyện chuyên môn hóa với tính chuyên nghiệp cao.  Cùng đó, một mảng đang “trống” ngay trên sân nhà chính là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực này được xem là vẫn còn dư địa rất lớn cho cơ khí phát triển. Trong khi nông nghiệp chiếm tới 70% cơ cấu kinh tế thì các loại máy móc phục vụ cho lĩnh vực chủ lực này hầu hết lại đang phải nhập ngoại còn các doanh nghiệp cơ khí Việt lại mải miết đi làm những thứ lớn lao và xa vời. Hơn bao giờ hết, cái vòng luẩn quẩn làm sản phẩm gì, đầu ra như thế nào vẫn bủa vây và làm rối các doanh nghiệp cơ khí.  Ngành cơ khí Việt Nam đang sở hữu những lợi thế nhất định; trong đó có yếu tố nhân công giá rẻ và dân số trong độ tuổi lao động lớn. Yếu tố này cũng giúp các doanh nghiệp cơ khí lấy được các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động này chưa bền vững bởi để được đối tác nước ngoài chấp nhận và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đang đòi hỏi một quá trình phấn đấu liên tục của doanh nghiệp nội. Nguồn: BNEWS/TTXVN
Cần những giải pháp mới để ngành cơ khí Việt Nam phát triển

Cần những giải pháp mới để ngành cơ khí Việt Nam phát triển

Nhằm đánh giá những tồn tại, hạn chế của ngành cơ khí Việt Nam, đồng thời đưa ra những giải pháp chủ yếu để phát triển ngành cơ khí trong cuộc cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0”. Tại Hội thảo, nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngành cơ khí Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí trong nước... Cần thêm những giải pháp mới để ngành cơ khí Việt Nam phát triển Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Số lượng doanh nghiệp cơ khí đã tăng mạnh từ 10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên 21.000 doanh nghiệp năm 2016; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD; nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu đến nay từng bước đã được thay thế; dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ, các doanh nghiệp đã làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa dần được nâng cao, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; đóng tàu; máy công cụ và máy nông nghiệp... Các sản phẩm này đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải nhìn nhận một cách thực tế rằng ngành cơ khí nước ta còn rất nhiều hạn chế. Năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp, số lượng doanh nghiệp còn quá ít so với tổng số doanh nghiệp cả nước, nhập siêu các sản phẩm cơ khí còn lớn, chưa chủ động được về nguyên vật liệu, vẫn phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành còn kém, và khả năng hấp thụ công nghệ các doanh nghiệp trong nước còn yếu… Trước thực tế đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp cần quyết liệt, kịp thời hành động để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế tận dụng cơ hội để phát triển, tạo dựng môi trường thể chế, chính sách pháp luật thuận lợi cho doanh nghiệp cơ khí, từ đó thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nước ta. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, những nhân tố mới xuất hiện đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí, cần những giải pháp, chính sách mới để đảm bảo cho sự cạnh tranh của ngành và sự tồn tại của các doanh nghiệp cơ khí trong nước. ( Nguồn: Laodongthudo.vn)
Các phương pháp hàn trong gia công kim loại

Các phương pháp hàn trong gia công kim loại

Hàn có lẽ là quy trình nối ghép thông dụng nhất trong gia công kim loại. Độ bền của mối hàn thường phụ thuộc vào phương pháp hàn được sử dụng, nhưng các phương pháp hàn nào là thích hợp cho ngành gia công kim loại ở Đông Nam Á? Tuy có thể dễ dàng mô tả quá trình nối ghép các chi tiết với nhau và dường như việc chấp nhận lý thuyết là tương đối đơn giản, nhưng ứng dụng thực tế có thể khá phức tạp. Độ nhám bề mặt, tạp chất, sai lệch lắp ghép và các tính chất khác nhau của những vật liệu nối ghép làm cho quá trình này trở nên phức tạp hơn. Thật may mắn, sự phát triển các quy trình và kỹ thuật hàn đã được quản lý để vượt qua một số trong các khó khăn đó. Trừ vài ngoại lệ, hầu hết các quy trình hàn đều yêu cầu ứng dụng các mức nhiệt cao. Nhiệt đưa các nguyên tử đến cạnh biên của một chi tiết, đủ gần để cho phép các tương tác liên nguyên tử xảy ra với các nguyên tử từ chi tiết thứ hai. Tuy nhiên, nhiệt cao này làm cho kim loại bị oxy hóa và sự oxy hóa đó làm yếu cấu trúc vi mô ở mặt ngoài của chi tiết. Nói chung, có thể tránh vấn đề này bằng cách trong quá trình hàn, cần bảo vệ để để không xảy ra oxy hóa. Khi kiểm tra từng quy trình hàn, điều quan trọng là xét xem lượng nhiệt tỏa ra là bao nhiêu và cách thức phát sinh lượng nhiệt đó. Ngoài việc cung cấp nhiệt, một số phương pháp hàn còn yêu cầu tác dụng áp suất, thậm chí một số quy trình hàn có thể đạt được chỉ thông qua áp suất mà không cần cấp nhiệt độ từ bên ngoài. Như đã đề cập ở phần trên, trong một số quy trình hàn, cần có vật liệu hàn (que hàn) để hỗ trợ sự nối ghép hai chi tiết (hàn) với nhau. Đối với các phương pháp hàn với áp suất, mối ghép hàn được thực hiện bằng cách tác dụng áp suất tại diện tích tiếp xúc của hai chi tiết, có thể hoặc không cần cấp nhiệt cho đến trạng thái nóng chảy. Đối với các phương pháp hàn có nóng chảy, không cần tác dụng áp suất, chỉ sử dụng nhiệt để làm nóng chảy vùng tiếp xúc. GMAW & GTAW Trong hàn hồ quang kim loại khí bảo vệ (GMAW hoặc MIG), hồ quang phát sinh giữa điện cực nguyên hoặc có chất trợ dung trong lõi và kim loại nền. Hồ quang này được bảo vệ bằng lớp khí hoặc hỗn hợp khí, có thể là CO2hoặc hỗn hợp CO2 với khí trơ, thường là Argon. Khí bảo vệ này được thổi qua đầu phun nằm song song với hồ quang và bao phủ hồ quang từ mọi phía. Hàn GMAW (còn gọi là hàn MIG) có nhiều ưu điểm. Phương pháp hàn này sử dụng mật độ dòng điện cao, cho phép tỷ suất lắng đọng kim loại hàn cao và hàn nhanh. Tốc độ hàn cao và tỷ suất lắng đọng kim loại nhanh làm giảm chi phí hàn. Hàn GMAW thích hợp cho nhiều kiểu mối ghép hàn với các định hướng khác nhau: thẳng, cong, dài hoặc ngắn. Phương pháp này còn thích hợp cho cả các tấm mỏng và dày. Điều này làm cho phương pháp hàn GMAW trở nên rất đa năng, cho phép áp dụng trong nhiều tình huống, thậm chí đôi khi không cần lập kế hoạch trước. Tuy nhiên, một nhược điểm của hàn GMAW là độ xốp mối hàn, hình thành khi gió xung quanh làm gián đoạn hoặc cản trở lớp khí bảo vệ hồ quang. Hàn hồ quang điện cực wolfram có khí bảo vệ (GTAW) còn được gọi là hàn wolfram khí trơ (TIG). Ở đây, hồ quang được tạo ra giữa điện cực wolfram và kim loại nền. Khí bảo vệ là Argon tinh khiết và thanh hoặc que hàn được đưa vào hồ quang để nóng chảy và cấp thêm kim loại lỏng cho mối hàn, dù trong một số trường hợp điều này là tùy chọn. Hàn GTAW và TIG nổi tiếng là có tính đa năng cao, có thể dùng để hàn hầu hết các kim loại, đặc biệt thích hợp cho hàn kim loại tấm và hàn ống. Có thể thực hiện mối hàn trên các vật liệu rất mỏng, dưới 1mm và có thể hàn ở mọi vị trí. Cũng có thể sử dụng hàn GTAW và TIG trong các ứng dụng robot hàn hoặc tự động hóa. Khác với hàn GMAW hoặc MIG, sự điều khiển mối hàn trong quy trình này là rất tốt, bao gồm thiết lập vũng chảy trong khi hàn và bổ sung kim loại đầy khi cần thiết. Sự điều khiển này cho phép tạo ra vũng chảy tốt và thấp ướt ở đầu mối hàn, do đó cần tránh sự nóng chảy không hoàn toàn, đặc biệt là khi hàn với que hàn. Các phát triển tương lai trong hàn hồ quang Tuy có thể coi hàn là công nghệ đã được thiết lập gần như hoàn hảo, nhưng công nghệ này vẫn dưới ánh sáng mặt trời. Tuy nhiều người dự báo sử dụng công nghệ hàn sẽ tiếp tục phát triển trong các nền kinh tế mới nổi trên thế giới, nhưng ở các nước phát triển, sự tăng trưởng công nghệ hàn cũng sẽ vẫn tiếp tục, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt. Các lĩnh vực sẽ tiếp tục bùng nổ bao gồm cả sự tự động hóa quy trình hàn. Do thiếu công nghân hàn lành nghề, sẽ không ngạc nhiên khi công nghệ hàn hồ quang hầu như phải dựa nhiều vào robot. Hiện tại, máy móc tự động hóa được dùng trong hàn điểm và hàn đính, dường như đơn giản chỉ là vấn đề thời gian để công nghệ này xâm nhập vào lĩnh vực hàn hồ quang. Bất kể hướng phát triển của ngành công nghiệp này, có thể chắc chắn rằng các phát triển này trong hàn hồ quang sẽ dự báo trước cho những người nắm bắt các ưu thế của công nghệ hàn hồ quang cải tiến. 3M: bảo vệ hàn ở cường độ mạnh Công ty 3M đã phát triển bộ nâng cấp hệ thống Adflo Powered-Air Purifying Respirator (PAPR – thiết bị thở tinh lọc không khí) của họ. Bộ Adflo Turbo Assembly với sự nâng cấp cường độ liên tục cung cấp không khí lọc cho thợ hàn làm việc ở các cao độ đến 3.000m. Bộ nâng cấp cường độ này được thiết kế một cách chuyên biệt để bù cho các thay đổi trọng lượng riêng của không khí xảy ra khi lên cao. Thiết bị có bộ pin Li-ion, cho phép giảm trọng lượng pin khoảng 50% so với các model cũ và giảm trọng lượng toàn bộ hệ thống thở khoảng 20%. (Nguồn: Cẩm nang Gia công Kim loại)
Xem thêm
H2T Hà Nội
Hotline 0988446736
Liên hệ qua Zalo
Messenger